Nếu quý bà được ai đó rỉ tai kiểu “ông đó dâm lắm”, có vẻ như đang lên án rằng người đó “không tốt”.
Nhưng chưa chắc chị em đã hoàn toàn nghĩ rằng, dâm là không tốt. Ngược lại, nếu các ông đồn thổi rằng “cô đó dâm lắm”, họ cũng thể hiện sự thích thú mơ hồ hơn là lên án. Vậy nhưng thực tế, theo quan niệm chung của nhiều người, “dâm” là… xấu xa!
Tất nhiên, chuyện ai “dâm”, “dâm” đến đâu là chuyện riêng tư, chỉ người trong cuộc mới biết. Xin được lạm bàn về chuyện này để rõ hơn vấn đề “dâm xấu hay tốt”.
Một cách dễ hiểu, nếu người đàn ông ít ham muốn, lại không nắm được nhiều kỹ thuật gối chăn nên mỗi lần “vui vẻ” thì ngắn ngủi và quá đơn điệu, tạm hiểu rằng người đó “ít dâm”. Còn nếu một người “rành sáu câu”, mỗi lần “đụng” nhau, người đàn ông đó khiến vợ mình phải đốt cháy cạn năng lượng, có thể hiểu rằng người đàn ông đó “dâm lắm”.
Nghịch lý nằm ở chỗ, nếu là người ngoài cuộc, họ sẽ “tôn trọng” những người ít dâm, điều độ, dè dặt trong tình dục. Nhưng thực sự, “người trong cuộc” sẽ cảm thấy thế nào? Nhiều khả năng phụ nữ sẽ thất vọng vì chồng “hiền” quá. Còn với những chị em có “ông xã” mạnh mẽ quá, người ngoài cuộc sẽ “bĩu môi” lên án, xem đó là người không đàng hoàng. Nhưng với người trong cuộc, có thể sẽ thầm cười mãn nguyện. Qua đó, có thể thấy, “dâm” phải mang “vỏ” xấu, nhưng cái “ruột” tốt.
Cánh đàn ông hay nói đùa với nhau: “Chỉ sợ không “dâm” được thôi, “dâm” được là tốt”. Còn cánh nữ, tất nhiên kín đáo và dè dặt hơn, nên có muốn ủng hộ cái sự “dâm” ấy, cũng chỉ... dám để trong lòng.
Khó phân định được “dâm” là tốt hay xấu nếu đưa vấn đề ra phân tích chung chung, bởi nếu có xấu hay tốt, chỉ người bạn đời mới cảm nhận được. Quan trọng nhất là cả hai cảm thấy hài lòng về nhau. Một người vợ thích êm dịu nhưng luôn phải chống chọi với anh chồng luôn sục sôi, người vợ ấy sẽ khó hài lòng. Nhưng nếu người vợ thích mạnh mẽ mà chồng đơn điệu, hờ hững, vợ cũng sẽ thất vọng.
Như vậy, chỉ có người bạn đời của một ai đó mới đủ “tư cách” để đánh giá người đó “dâm” hay không. Hay nhất là nếu kỳ vọng bạn đời mình “mạnh” đến mức nào, phải chia sẻ, “đối tác” hiểu mới đáp ứng được chứ đừng để bị “lệch pha”.
Thực tế thì phụ nữ cần đoan trang, hiền thục nên lỡ bị ai đó đánh giá là dâm, sẽ bị tổn thương nặng, một kiểu như bị xúc phạm nhân cách. Mặc dù chuyện dâm chẳng liên quan gì đến nhân cách cả, vì dâm là chuyện thầm kín, khó ai biết được. Còn đàn ông mà bị coi là dâm, thì các bà vợ cũng lo ngay ngáy, vì nghĩ chồng mình nhu cầu cao như vậy, lỡ mình không đáp ứng được, chồng sẽ ngoại tình!
Rốt cuộc, nên coi dâm như một thực trạng giống như hành vi tình dục, tức là không tốt, không xấu, không hay, không dở (nếu chỉ đứng đơn độc, không kèm theo một tính từ nào, như “dễ sợ”, “cực kỳ”, “hết biết”…). Những quan niệm “dâm” vừa kể được dùng trong giới tính học để chỉ những lệch lạc về phương diện tình dục.
Sự đời “ngang trái” như thế. Vậy nên, dù “dâm” không xấu, nhưng nếu ai đó “dâm”, cũng nên giấu nó đi.
--------------------------------------------------