Mỗi lần chị Liên nhắc nhở con tiết kiệm thì nó đều hậm hực: “bố cũng suốt ngày để máy tính qua đêm mà có ai nói gì đâu. Sao mẹ không nói bố trước”...
Cứ mỗi lần thay vợ đi đón cô con gái từ lớp mẫu giáo về, anh Thành (34 tuổi), nhà ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cũng dẫn con đi ăn KFC rồi dẫn con lòng vòng lên phố, để cho con thỏa thích chọn đồ chơi rồi hai bố con mới về nhà. Mỗi lần như vậy, nhà anh lại chất thêm cả đống đồ chơi mới vì “con gái thích mua gì bố cũng chiều”.
Theo lời anh Thành tâm sự thì gia đình anh có một nền kinh tế khá vững chắc, bé Bông (tên gọi ở nhà của con gái anh) lại là đứa con gái đầu lòng nên hai vợ chồng anh giành hết tình yêu thương và điều kiện mà anh chị có để chăm sóc con: “Từ nhỏ đến giờ chưa có cái gì cháu muốn mà chúng tôi không mua cho. Trước đây bố mẹ mình không có thì mình phải chịu chứ giờ có tiền không để giành hết cho con thì để cho ai”. Thấy vợ chồng anh Thành chiều con như vậy, ông bà nội cũng cảm thấy lo lắng, có khuyên bảo thì anh chị lại cho rằng “bố mẹ cổ hủ quá”.
Nghe cậu con trai 14 tuổi nói mà chị Liên mới ngớ người ra, hóa ra ngay chính chồng chị cũng luôn hoang phí trước mặt con trai. Chị kể, có lần vừa lấy được tiền lương, anh đưa cả nhà đến một nhà hàng sang trọng rồi để mặc cho con thích gọi món gì thì gọi. Đến cuối bữa còn đầy cả mâm, chị bảo gói mang về thì anh xua tay. Cậu con trai cũng nhăn mặt: “Mẹ làm gì mà phải khổ sở thế? Nhà mình có nhiều tiền mà”, nghe con nói chị chỉ biết nuốt giận nhìn chồng. Dù chị đã nói với chồng nhiều lần nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy khiến cậu con trai không còn biết nghe lời mẹ nữa: “Mới học lớp 9 mà anh đã mua cho con điện thoại, lại toàn dẫn con đi shop mua quần áo. Nó cứ mặc một thời gian ngắn lại chán. Quần áo còn vứt đầy trong tủ”, chị Liên thở dài nói.
Cô Nguyễn Thủy, giáo viên trường mầm non Sao Mao, Hà Nội tâm sự: “Trẻ con bị ảnh hưởng bởi cách sống của những người gần gũi xung quanh rất nhiều, đặc biệt là cha mẹ. Bởi vậy trước khi nghĩ đến việc dạy con bất kì điều gì thì cha mẹ hãy luôn là tấm gương để cho con noi theo”.
Như trường hợp của anh Thành, cô Thủy có nói: “Anh Thành không hề biết rằng việc đáp ứng mọi đòi hỏi của cô con gái đã vô tình tạo cho con cái tư tưởng “bố mẹ là kho tiền” của chúng và chúng muốn rút lúc nào cũng được”.
Theo kinh nghiệm dạy con của mình, chị Hương (30 tuổi), nhà ở Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội đã chia sẻ rằng bố mẹ hiện nay đang than vãn rất nhiều khi thấy con cái không hề biết chi tiêu một cách hợp không hợp lý và ra sức trách móc con cái mình mà trong khi chính họ cũng không tự ý thức được cách chi tiêu của mình, đặc biệt là khi có mặt con cái.
Ngay từ nhỏ bố mẹ cần phải tạo cho con mình những thói quen tốt để học cách tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất như mua lợn đất tiết kiệm và thỉnh thoảng cho con tiền tiết kiệm, tránh chiều theo ý trẻ khi chúng đòi mua đồ chơi, bánh kẹo hay quần áo mới liên tục…, đặc biệt cha mẹ không nên tiêu tiền quá phóng khoáng trước mặt con trẻ vì chúng rất dễ học theo.
“Dù thế nào, cha mẹ vẫn là những người thầy đầu tiên của con mình trong cuộc sống phức tạp và đầy khó khăn này, vì vậy chính cái cách cư xử của bạn với cuộc sống này sẽ là nền tảng giáo dục tốt nhất cho con bạn. Hãy dạy cho con những điều tốt nhất ngay từ khi chúng còn là những tờ giấy trắng nguyên sơ nhất”, chị Hương kết luận.
Theo Afamily