Ở nhà, bố mẹ Beo thường có kiểu "treo thưởng" rất hậu hĩnh: đi học được điểm cao sẽ được thưởng tiền, bố mẹ nói mà nghe lời cũng thưởng tiền, làm việc nhà đỡ bố mẹ cũng thưởng tiền…
Con gái anh Thanh năm nay mới lên lớp 3 mà đã được chiều như "bà hoàng". Hai vợ chồng anh lấy nhau ngót nghét chục năm mới sinh được bé Búp. Ngày bé Búp chào đời, cả nhà anh mừng hơn "được vàng". Bạn bè cùng trang lứa đã có con học tới cấp 2, cấp 3, giờ anh mới có con đầu lòng, thế cũng đã là mừng lắm rồi. Chính bởi vậy mà anh chị không tiếc con điều gì, ý con là "ý Chúa".
Bé Búp xinh xắn, lại được nuông chiều từ bé nên tính nết đỏng đảnh, hay vòi vĩnh và đòi hỏi. Cứ hễ thích gì là bé nằn nì bố mẹ mua cho bằng cho được, nếu không là bé sẽ dỗi cơm, không chịu đi tắm hay không chịu đi ngủ. Nhiều khi rất bực con mà anh chị không dám đánh mắng, sợ con giận dỗi sẽ bỏ ăn thì ốm. Mỗi lần muốn con làm gì, ví như muốn con cùng bố mẹ đến thăm họ hàng, bảo con tự gấp quần áo hay dậy sớm đi học đúng giờ là thế nào anh chị cũng phải "treo" một phần thưởng trên đầu con.
- Búp của mẹ dậy đi học đi con
- Búp chưa muốn dậy
- Dậy đi học rồi mẹ mua khuyên tai đẹp cho
…
Lâu dần, bố mẹ không nhờ Búp làm gì mà tự làm cho nhanh.
Vậy là thành thói quen, bất cứ điều gì Búp làm dù cho mình thì bố mẹ cũng phải có quà cho Búp. Dần dần, Búp không có thói quen tự lập, không biết làm bất cứ gì và luôn ngơ ngác, không thực hiện mỗi khi cô giáo nhắc nhở.
Cùng lớp với Búp có bé Beo. Beo nhanh nhẹn, "giỏi giang" hơn vì việc gì Béo cũng biết làm. Nhưng Beo có tính không tốt đó là làm gì cũng phải kèm theo điều kiện. Ở nhà, bố mẹ Beo thường có kiểu "treo thưởng" rất hậu hĩnh: đi học được điểm 9, 10 sẽ được thưởng tiền, bố mẹ nói mà nghe lời cũng thưởng tiền, làm việc nhà đỡ bố mẹ cũng thưởng tiền… Nói chung tất cả những việc Beo làm đều được bố mẹ quy ra tiền để thưởng cho Beo. Vậy nên, việc gì beo cũng làm, thậm chí làm rất tốt. Nhưng trước khi làm bất cứ gì, Beo đều hỏi: Bố mẹ thưởng con bao nhiêu tiền?
Bố mẹ Beo rất tự hào về con vì việc gì Beo cũng hoàn thành rất xuất sắc. Nhưng hành vi đó theo thời gian trở thành thói quen không thể bỏ của Beo. Dù Beo rất thạo việc nhưng lại không được các bạn yêu quý vì Beo không bao giờ giúp đỡ các bạn mà không có điều kiện. Điều kiện của Beo với các bạn đơn giản hơn với bố mẹ nhiều, có thể chỉ cần bánh kẹo hoặc ô tô hay đồ chơi cũng được.
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cách giáo dục con cái, và ai cũng nghĩ rằng cách giáo dục của mình là tốt cho con. Như gia đình nhà bé Búp và bé beo, bố mẹ các bé nghĩ rằng làm vậy là một cách khuyến khích sự nhiệt tình làm việc của con nhưng bố mẹ các bé không nghĩ rằng, làm vậy vô tình tạo cho bé tính ích kỉ, không biết tự giác giúp đỡ bố mẹ mà luôn có điều kiện đi kèm. Thói quen này kéo dài rất có thể sẽ khiến bé sau này lớn lên có tính thực dụng và không hình thành được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ với người khác.
Gợi ý một số cách để thưởng cho con cái mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo:
- Quy định giờ giấc: Đối với trẻ hay là cà, dề dà
Yêu cầu trẻ làm một công việc với một thời gian nhất định. Nếu nhiệm vụ được thực hiện trước giờ quy định thì con sẽ nhận được một phần thưởng. Để khuyến khích con, cha mẹ có thể thêm cho con 5 phút mà không nói ra để con yên tâm thực hiện tốt công việc được giao.
- Trò chơi đánh gia hành vi tốt: Giúp giảng dạy cho con một hành vi mới
Viết một danh sách ngắn các hành vi tốt trên một cái bảng xếp hạng để con biết và đánh dấu ngôi sao vào bảng xếp hạng mỗi khi con có một hành vi tốt phù hợp với trong bảng. Sau khi con đã giành được một số lượng nhỏ các ngôi sao (tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ) để thưởng cho con một món quá nhỏ. Việc này khuyến khích con học tập hành vi nào là tốt là xấu để con biết mà cố gắng. Tương tự nếu vi phạm nhiều hành vi xấu thì sẽ bị phạt.
- Điểm tốt/ điểm xấu: Dành cho trẻ em quá hiếu động
Trong một thời gian ngắn (khoảng một giờ) hãy đánh dấu những việc có ích mà con bạn đã làm được thay vì chỉ nghịch ngợm, phá phách đồ đạc, ví dụ như đọc sách, chọn đồ chơi ngồi chơi trật tự, xem tivi… Sau khi một số lượng nhất định của các điểm tốt này thì cho con một phần thưởng. Làm tương tự như vậy với các thái độ nghịch ngợm của trẻ, đánh dấu là điểm xấu và con sẽ bị phạt.
Theo Afamily