Hiếm có người phụ nữ nào không "nếm mùi khổ sở" khi "đến tháng". Vậy làm thế nào để hiện tượng này không còn là nỗi ám ảnh đối với chị em?
Có đến 20% phụ nữ thừa nhận là họ đau đến mức "không thể làm việc gì cả" mỗi khi đến kỳ kinh.
Trên thực tế, nguyên nhân gây đau khi đến kỳ kinh là sự co bóp của tử cung hoặc dạ con. Những ngày bình thường thì các đợt co bóp diễn ra nhẹ nhàng. Khi "đến tháng", mỗi lần co bóp, máu tạm thời ngừng bơm đến dạ con và mạch máu trong vách cơ bị nén lại.
Do mô bộ thiếu ôxy, cơ thể tiết ra chất prostaglandins khiến cho hiện tượng co bóp diễn ra mạnh hơn. Dạ con càng co bóp mạnh thì cảm giác đau đớn càng tăng.
Hàng tháng, quá trình co bóp này giúp cho lớp niêm mạc cũ ở thành dạ con bong ra, đồng thời tạo nên lớp mới, sẵn sàng cho trứng làm tổ sau khi được thụ tinh. Đây là một phần tất yếu trong thiên chức phụ nữ.
Những lần đến kỳ kinh đầu tiên, phần lớn chị em đều phải chịu cảm giác đau đớn. Nhưng nếu ở độ tuổi 20 - 30 mà vẫn còn đau đến mức "không thể chịu nổi" thì cơ thể bạn đã có vấn đề, cần đi khám ngay để sớm phát hiện bệnh.
Các bệnh thường gây đau đớn khi đến kỳ kinh thường là lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm khung xương chậu, hẹp cổ tử cung.
Ngoài ra, tình trạng căng thẳng thần kinh cũng có thể làm gia tăng cảm giác đau đớn. Do vậy, khi "đến tháng", chị em hạn chế làm việc quá sức, hạn chế dùng các chất kích thích và tránh căng thẳng. Ngoài ra, một số biện pháp đơn giản có thể giúp bạn giảm cơn đau.
Tập thể dục: Có tác dụng giảm cơn đau rất tốt. Cố gắng tập các môn thể dục vừa đơn giản, vừa dễ tập như bơi, đi bộ hoặc đạp xe.
Dùng thuốc giảm đau: lbuprofen và aspirin có tác dụng kháng prostaglandins. Nên uống thường xuyên trong suốt cả kỳ kinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Liệu pháp bổ sung: Uống thuốc nam (dầu anh thảo hoặc lá cây mâm xôi) hoặc tập thiền cũng có thể giúp bạn giảm bớt cơn đau. Ngoài ra, bạn có thể đi châm cứu điện ở các cơ sở y tế. Trong trường hợp thấy có dấu hiệu bất thường, cần đến bác sĩ ngay.
--------------------------------------------------