Nhiều người tự hỏi tại sao họ không thể dành dụm tiền hoặc luôn chi tiêu quá mức thu nhập. Nếu cho rằng nguồn gốc của vấn đề xuất phát từ những thói quen cũ hoặc lạm phát thì có lẽ bạn nên nghĩ lại.
Các nhà tâm lý và chuyên gia tiếp thị phát hiện ra rằng kế hoạch tiết kiệm, mức độ hài lòng với cuộc sống và phong cách chi tiêu có vai trò quyết định đối với tình hình tài chính của mỗi cá nhân.
“Một số người nghĩ rằng họ chẳng có động lực nào để tiết kiệm, vì thế họ cứ tiêu thoải mái”, Leona Tam, giảng viên bộ môn marketing tại Đại học Old Dominion, thành phố Norfork, bang Virginia, Mỹ, phát biểu.
Leona nhận thấy xu hướng tiết kiệm tiền thường xuất hiện khi người ta có mục tiêu ngắn hạn (như dành dụm để mua một thứ vào tháng sau), chứ không phải mục tiêu dài hạn (mua sắm trong năm tới). Những người tập trung vào các kế hoạch ngắn hạn có cơ hội thành công cao hơn trong nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu.
Đối với những người thích trải nghiệm và chi tiêu thoải mái luôn cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống. Ảnh: dailylife.com. |
Nữ giáo sư phỏng vấn 678 người (cả nam và nữ) để tìm hiểu xem họ có thể dành dụm bao nhiêu tiền trong tháng kế tiếp, một tháng cụ thể trong tương lai hoặc trong năm sau. Phần lớn những người được phỏng vấn cho biết họ luôn để dành được tiền nếu có mục tiêu vào tháng kế tiếp, nhưng hiếm khi có đủ tiền để hiện thực hóa những kế hoạch dành cho năm sau.
“Nhiều người nghĩ họ có thể tiết kiệm được nhiều hơn trong tương lai, nhưng thực tế cho thấy phần lớn chúng ta không đủ tiền tiết kiệm cho những kế hoạch dài hạn. Vì thế, lập ra những mục tiêu ngắn hạn là cách tốt nhất để dành dụm tiền bạc”, Leona nói.
Trong một nghiên cứu khác, Miriam Tatzel, giáo sư tâm lý thuộc Đại học New York (Mỹ), phỏng vấn 329 người có độ tuổi trung bình là 38. Căn cứ vào một kết quả nghiên cứu trước đó, bà chia người tiêu tiền thành bốn loại. "Value Seekers" coi trọng vật chất nhưng chặt chẽ trong chi tiêu. "Big Spenders" coi trọng vật chất và tiêu tiền thoải mái. "Non-Spenders" có quan điểm khắt khe trong chi tiêu nhưng không coi trọng vật chất. "Experiencers" tỏ ra thoải mái trong chi tiêu nhưng không coi trọng vật chất.
Kết quả phỏng vấn cho thấy nhóm coi trọng vật chất và tiêu tiền thoải mái có cảm giác hài lòng với cuộc sống ở mức thấp nhất và họ thường xuyên đối mặt với tình trạng nợ nần. Trong khi đó, nhóm không coi trọng vật chất nhưng chi tiêu thoải mái lại cảm thấy hài lòng với cuộc sống nhất.
“Tôi không ngạc nhiên khi mức độ thỏa mãn với cuộc sống ở nhóm Experiencers là cao nhất. Nhiều nghiến cứu trước đã chứng minh rằng cách tiêu tiền phản ánh suy nghĩ của con người đối với cuộc sống hiện tại. Đối với những người thuộc thích trải nghiệm và chi tiêu hào phóng, việc tiêu tiền vào du lịch, giáo dục mang lại cảm giác hạnh phúc hơn so với việc mua một chiếc xe hơi”, Miriam giải thích.
Một nghiên cứu thứ ba, được tiến hành tại Canada, cho thấy việc mua sắm vô tội vạ có thể khiến nhiều người cảm thấy tội lỗi hoặc hổ thẹn.
Sunghwan Yi, giáo sư tại Đại học Guleph ở Ontario, Canada, phỏng vấn 222 sinh viên về cảm giác của họ sau khi bỏ ra một số tiền lớn hơn thu nhập hàng tháng để mua sắm. Phần lớn thừa nhận họ cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ. Những người cảm thấy tội lỗi có xu hướng sử dụng các biện pháp tích cực để giảm những cơn bốc đồng, như tập trung vào công việc, hạn chế tới các trung tâm mua sắm hay không để quá nhiều tiền mặt trong túi. Trong khi đó, những người cảm thấy xấu hổ thường áp dụng các biện pháp tiêu cực hơn.
Việt Linh (theo Healthday)