Khác biệt giới tính ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng và đôi khi là nguyên nhân gây nên xung đột.
Chắc hẳn ai khi bước vào cuộc sống vợ chồng, ít nhiều cũng sẽ đối mặt với cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Sau mỗi trận cãi vã, mọi người sẽ rút ra những kinh nghiệm riêng cho bản thân để cuộc sống vợ chồng tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, chúng ta hầu như không giải thích được vì sao lại có xung đột ấy. Bạn có thể đổ lỗi cho chồng và anh ấy cũng có thể đổ lỗi cho bạn hoặc khi làm lành, cả hai sẽ giành phần lỗi về mình. Ít ai nhận ra chính sự khác biệt giới tính giữa nam và nữ đã dẫn đến những cách hành xử khác nhau. Do đó, khi xung đột xảy ra, nếu mất bình tĩnh bạn có thể phạm sai lầm với bạn đời ngay.
Thực tế cho thấy, câu đầu tiên của nhiều người khi hỏi về một đứa trẻ mới sinh thường là: “Con trai hay con gái?”. Điều đó cho tấy sự phân biệt về giới tính đã hình thành rất rõ.
Có bao giờ bạn chú ý bé gái khi chơi với các bạn gái khác rất lanh lẹ, hiếu thắng. Ngược lại khi chơi với một nhóm con trai, bé trở nên thụ động hơn, thậm chí để các bé trai chiếm hữu đồ chơi hay đứng xa các cậu bé?
Và đến khi các bé trai, bé gái ấy lớn lên, những đặc điểm về giới tính sẽ ảnh hưởng rất rõ đến đời sống vợ chồng. Vợ thường là người chịu đựng trước những hành xử của đấng lang quân. Họ cũng thường là người dịu tiếng trước mỗi khi xung đột xảy ra, bởi vì trong tâm trí của phái yếu, đàn ông luôn là người mạnh mẽ và đưa ra quyết định.
Vì sao phụ nữ mang tiếng nói nhiều?
Trung bình, một phụ nữ nói 7.000 từ mỗi ngày với năm giọng điệu khác nhau. Trong khi đó, đàn ông chỉ sử dụng 2.000 từ với ba giọng điệu.
Vì sao có sự khác biệt như thế? Cấu tạo của bộ não phụ nữ cho thấy: “nói chuyện” tạo ra những kích thích hóa học trong não bộ và mang đến cảm giác thoải mái, sảng khoái. Cảm giác đó cũng giống như việc người ta dùng heroin vậy. Ngược lại, đối với não bộ người đàn ông, việc này lại làm tăng thêm stress!
Trong cuộc sống vợ chồng, những cuộc nói chuyện riêng tư sẽ tạo cho phụ nữ cảm giác “hưởng thụ”. Với người chồng, khi nghe người vợ “tỉ tê, nhỏ to tâm sự”, não bộ của họ sẽ chuyển hoá những lời nói ấy theo nghĩa: “Chuẩn bị có chuyện rồi đây!”. Họ sẽ chọn cách phớt lờ hay trả lời cho qua chuyện.
Chính vì thế, người vợ sẽ tỏ ra nghi ngờ chồng có người khác hoặc trách móc thiếu tôn trọng họ. Lâu dần, những điều như vậy sẽ làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
Một thực tế khác, phụ nữ luôn thích nói vòng vo với mong đợi các ông chồng sẽ đoán được ý mình. Trong khi đó, các đấng trượng phu lại thích đi thẳng vào vấn đề. Thế nên, chính cấu tạo mặc định của não bộ phụ nữ khiến họ mang tội danh nói nhiều, nói dai, cằn nhằn và nhấm nhẳng. Vô hình trung trong cảm nhận của chúng ta, người chồng trở thành: “Kẻ không biết lắng nghe”.
Nếu các bà vợ đều nghĩ nói là cách chia sẻ tốt nhất làm tăng hạnh phúc gia đình thì nên suy nghĩ lại. Khảo sát thực tế cho thấy, đó là nguyên nhân đẩy người đàn ông của bạn ra xa.
Trong cuộc sống vợ chồng, phụ nữ thường tìm kiếm sự gắn kết với chồng hay xây dựng mối quan hệ thường ngày thông qua việc chuyện trò, trao đổi. Nam giới lại có xu hướng tìm kiếm sự gắn kết qua những hành động cụ thể, như tham gia câu lạc bộ tenis hay nhậu nhẹt với bạn bè để huynh đệ gắn bó hơn.
Cụ thể, người vợ thích những giây phút chuyện trò riêng tư, vuốt ve, ôm ấp với chồng trước khi đi ngủ, trong khi các ông lại thích có những hành động “thiết thực” hơn với vợ.
Tuy nhiên, trong các tình huống nhạy cảm, nếu người chồng không thấu hiểu được những vòi vĩnh chính đáng hay đoán biết tâm lý của vợ, lập tức có thể làm tổn thương người bạn đời. Mâu thuẫn sẽ xảy ra nếu bị dồn nén lâu ngày.
Khác biệt trong cách nhìn và nghĩ
Một khác biệt nhỏ nữa là khi tranh luận, người vợ luôn nhận xét vấn đề ở những chi tết nhỏ nhặt. Ngược lại, người chồng, với đặc điểm Giới tính, luôn nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát hơn. Họ không thích những điều nhỏ nhặt.
Thế nên các ông vẫn thường bảo: “Ôi dào, có gì đâu mà các bà làm lớn chuyện thế?”. Lúc ấy, các bà càng bực tức vì chồng không hiểu vấn đề mình đang muốn nói tới, không hiểu cảm giác với mình.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy cách nhìn của nam giới và nữ giới rất khác nhau. phụ nữ luôn chú trọng đến tiểu tiết, nam giới thì ngược lại. Giả sử khi đi xem nàh, người vợ sẽ chú ý đến chiếc rèm cửa màu gì, thảm lót có hợp không, phòng tắm có đẹp không… Người chồng lại chú ý đến vị thế, diện tích ngôi nhà, cách thiết kế tổng thể…
Nếu không nhận thức rõ sự khác biệt này, cuộc tranh luận sẽ có xu hướng không thể dàn xếp hoặc nếu có chấm dứt cũng để lại ấm ức cho người bị đuối lý.
Để khác biệt giới tính không là rào cản
Nói chuyện là cách chia sẻ giữa vợ chồng. Tuy nhiên, việc ép buộc người chồng phải chia sẻ với mình sẽ không bao giờ có hiệu quả. Thay vào đó, để đời sống gia đình hạnh phúc hơn, mỗi người chồng/vợ nên hoán chuyển vai trò của nhau khi mâu thuẫn xảy ra, để vấn đề được giải quyết một cách êm thấm.
Hãy quan sát chồng và bạn bè của anh ấy. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra cách nhanh nhất để vợ chồng bạn gần gũi hơn là tham gia các hoạt động cùng chồng.
Hãy nhanh chóng thoát khỏi lối mòn của mình. Chắc chắn sẽ có những hoạt động cả hai cùng hào hứng tham gia. Hãy tìm một hoạt động chung và chú tâm vào đó. Nó sẽ giúp bạn gắn kết hơn trong mối quan hệ vợ chồng.
Một số cặp vợ chồng chọn cách chơi thể thao, cùng tham gia các câu lạc bộ với nhau. Số khác lại chọn cách thể hiện những kỹ năng của họ bằng việc cùng nhau sửa sang, trang trí nhà cửa… Chia sẻ hoạt động chung chính là một gia vị để cuộc sống vợ chồng ngày càng phong phú hơn.
Có thể, hiện tại bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái với không gian riêng nhưng về lâu dài, điều đó sẽ gây nhàm chán cho mối quan hệ vợ chồng. Dần dần khoảng cách giữa bạn và chồng ngày càng xa. Bằng hành động, hãy nêm nếm cho cuộc sống vợ chồng của bạn ngay từ hôm nay, để có một món ngon cho ngày mai.
--------------------------------------------------