Đã bao giờ hai vợ chồng bạn cãi cọ với nhau, cơn giận bốc lên đầu và lỡ thốt ra những câu mà sau này bạn phải hối hận rất nhiều vì đã sử dụng nó? Nếu có thì bạn cũng không phải là người duy nhất. Thực tế không phải ai cũng hiểu, tranh cãi trong cuộc sống hôn nhân cũng là một thứ cần phải học.
Chúng ta có quyền tranh luận để bảo vệ ý kiến của chúng ta. Nhưng tranh luận đôi khi dẫn tới tranh cãi và nếu những người trong cuộc không giữ được bình tĩnh thậm chí mọi chuyện có thể đi xa hơn. Vì thế học cách tranh cãi cũng là một điều cần thiết nên làm. Vậy phải làm thế nào? Theo cách chuyên gia tâm lý, bạn nên tuân theo những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Không bao giờ chỉ trích
Một nguyên tắc đầu tiên bạn cần nhớ là KHÔNG BAO GIỜ bắt đầu cuộc tranh luận bằng cách nói với người bạn đời của bạn rằng anh/cô thế này thế kia. Hãy luôn sử dụng ngôi thứ nhất: Nói rằng bạn cảm thấy thế nào về vấn đề này.
Trong trường hợp này, nếu bạn nói theo chiều hướng anh thế này, anh thế kia, cô thế này cô thế kia thì sẽ dễ làm cho đối phương rút vào thế phòng thủ và sẽ làm cho cuộc khẩu chiến của hai bạn trở nên căng thẳng hơn.
Nguyên tắc 2: Không cắt ngang
Dù có nóng nảy thế nào, cũng đừng cắt ngang lời bạn đời của bạn khi họ đang nói. Hãy để họ nói hết rồi mới tiếp tục. Nếu bạn cắt ngang thì chắc chắn bạn sẽ không nghe được hết những gì cần nghe và thường thì sẽ làm sai lệch đi ý của đối phương.
Đừng bao giờ để mình phát cáu một cách vô lý vì chỉ nghe một nửa những gì cần nghe.
Nguyên tắc 3: Không bỏ lửng
Tranh cãi là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Vì thế không nên trốn tránh nó kiểu như bỏ đi khỏi nhà khi cuộc chiến đang bắt đầu âm ỉ. Điều này sẽ chỉ làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn bởi vì rõ ràng những gì làm cho hai bạn căng thẳng vẫn chưa được giải quyết và nó vẫn còn tồn tại đó, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Thậm chí còn có khả năng bùng nổ với sức mạnh khủng khiếp hơn.
Nguyên tắc 4: Không mỉa mai, châm biếm
Tương tự nguyên tắc trên, trong khi cuộc khẩu chiến diễn ra, bạn phải tuyệt đối giữ bình tĩnh và không được dùng những ngôn ngữ mỉa mai châm biếm để hạ nhục hoặc làm tổn thương đối phương bởi vì điều đó chắc chắn sẽ làm cho họ càng trở nên cáu kỉnh hơn và sẽ đáp trả lại tương tự như thế với bạn. Và kết cục chắc chắn là điều mà cả hai bạn đều không mong muốn
Nguyên tắc 5: Tha thứ thật lòng
Đừng bao giờ chì chiết, đay đi đay lại chuyện cũ nếu như bạn nói bạn đã tha thứ. Tha thứ nghĩa là bỏ qua, là quên, là xếp lại mọi chuyện vào quá khứ và không bới tung nó lên để làm vũ khí chống lại nhau. Điều này thật không công bằng và nó cho thấy rõ ràng là bạn chưa hề biết tha thứ.
Nguyên tắc 6: Đừng bao giờ đi ngủ khi chưa giải quyết xong mâu thuẫn
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo quan điểm của người viết, đó là hai bạn tuyệt đối đừng bao giờ đi ngủ khi cuộc khẩu chiến của hai bạn vẫn chưa kết thúc thực sự.
Tạm ngừng hoà hoãn cũng không phải là cách hay. Đơn giản bởi khi câu chuyện vẫn chưa được giải quyết, nó sẽ vẫn theo bạn vào giấc ngủ, bạn sẽ không ngừng nghĩ về nó, dẫn đến không ngủ được, dễ cáu kỉnh và biết đâu sáng hôm sau lại bắt đầu một cuộc khẩu chiến mới vì một nguyên nhân không đâu.