Người không hạnh phúc thường nghiện thế giới ảo

Khảo sát của các nhà khoa học cho thấy những người không hài lòng với cuộc sống có xu hướng dành nhiều thời gian rỗi xem tivi hay internet, trong khi người hạnh phúc thích đọc sách báo và tham gia hoạt động xã hội.

Tiến sĩ John P. Robinson và Steve Martin - thuộc Đại học Maryland (Mỹ) - đã làm một nghiên cứu về những hoạt động mang đến cảm giác hạnh phúc cho con người. Nghiên cứu phân tích dữ liệu những nghiên cứu xã hội học từ năm 1975 tới 2006, với khoảng 30 nghìn người trưởng thành tham gia và được chia thành hai nhóm.

 

Hai chuyên gia này tổng kết cách sử dụng thời gian trong một ngày của nhóm thứ nhất: yêu cầu người tham gia liệt kê những hoạt động mà họ thường thực hiện trong một ngày và mức độ thỏa mãn khi họ thực hiện những hoạt động đó. Còn nhóm thứ hai chỉ thực hiện thăm dò ý kiến về cảm giác thỏa mãn của con người trong cuộc sống. Đối tượng tham gia được hỏi về mức độ hạnh phúc, cách họ sử dụng thời gian và một số câu hỏi khác. Những câu hỏi này được lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Từ kết quả phân tích, hai nhà nghiên cứu nhận thấy những người cho rằng họ có cuộc sống hạnh phúc có xu hướng dành nhiều thời gian rỗi để đọc sách báo, thăm bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội. Ngược lại, những người không hạnh phúc dành rất nhiều thời gian rỗi để xem tivi hay lướt net.

Cụ thể, người không hạnh phúc xem tivi nhiều hơn người hạnh phúc khoảng 20% (những người tham gia có cùng trình độ học vấn, thu nhập, tuổi tác và tình trạng hôn nhân). Phần lớn người tham gia cho rằng xem tivi là hoạt động dễ dàng nhất trong ngày, vì với hoạt động này họ không phải ra khỏi nhà, mặc quần áo, tiêu tiền, vạch kế hoạch sử dụng thời gian.

51% người không hạnh phúc cảm thấy họ có quá nhiều thời gian rỗi, trong khi tỷ lệ này ở người rất hạnh phúc là 19%.

"Như nhiều hoạt động gây nghiện khác, xem tivi có thể mang đến cho con người sự thỏa mãn nhất thời, nhưng sau đó nó để lại cảm giác hối tiếc", tiến sĩ Steve Martin cho biết. Ông cũng kết luận rằng những người nghiện tivi có xu hướng gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội. Đối với những người đó, tivi có thể trở thành công cụ giúp họ quên thực tại.

Giống như tivi, các công cụ phục vụ thế giới ảo như trò chơi điện tử tác động lên thần kinh của con người và khiến người ta có thể bị trầm cảm. Một nghiên cứu theo dõi hơn 7.000 người chơi game của các nhà khoa học ĐH Tây Bắc Mỹ. Những người tham gia cũng được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất đôi khi được chơi điện tử, nhóm thứ hai chơi điện tử thường xuyên. "Kết quả cho thấy nhóm thứ hai có tỷ lệ trầm cảm là trên 30% trong khi ở nhóm một có tỷ lệ là 20%. Điều này cho thấy việc chơi game nhiều sẽ khiến người ta dễ bị trầm cảm hơn", Noshir Contractor, giáo sư khoa học hành vi thuộc trường ĐH Tây Bắc Mỹ nói.

Theo giáo sư tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, việc một người liên tục tiếp xúc với màn hình tivi và máy tính trong một không gian không thay đổi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe và thần kinh.

"Mặc dù công nghệ mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích, ngồi một chỗ có thể quan sát cả thế giới và tham gia vào những hoạt động cực kỳ thú vị nhưng nó mãi vẫn chỉ là thế giới ảo mà thôi. Những người nghiện thế giới ảo sẽ khó hòa nhập với cuộc sống và khi càng chìm sâu vào đó, người ta càng khó thoát ra. Nhiều người coi đó như cách dễ chịu nhất để thoát khỏi thực tế", giáo sư Hồi Loan cho biết.

Theo các nhà khoa học thì những người dễ gắn với đời sống ảo thường là những người thiếu kĩ năng trong đời sống ngoài công sở. Những người này khi hết giờ làm thường ít giao lưu gặp gỡ hay tham gia các hoạt động xã hội: "Điều này không chỉ là vấn đề kỹ năng", GS Hồi Loan khẳng định: "Về mặt giải phẫu, những người này thường thuộc loại thần kinh yếu và do đó ngại giao tiếp. Sự không thỏa mãn về mặt xã hội khiến họ cảm thấy buồn phiền và chán nản".

Thiên hướng tự nhiên này gây bất lợi cho con người, khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống, khó chấp nhận thất bại, trong khi những người có thần kinh vững lại thích hoạt động và dễ vượt qua thất bại hơn.

Tuy nhiên, lý giải về việc quá say sưa với thế giới ảo, giáo sư Hồi Loan cho rằng khi gặp thất bại trong cuộc sống, rất nhiều người lui về góc của mình và tìm cách giải trí không phải tiếp xúc với nhiều người. Ông cho rằng, mỗi người phải học cách chấp nhận thất bại từ khi còn bé để có thể tái kết nối với cuộc sống thực nhanh hơn sau khi đón nhận thất bại nào đó.

"Xã hội thành thị đang phát triển quá nhanh. Có người tận dụng được tốc độ đó để theo đà phát triển thì nhiều người bị bỏ lại đằng sau và khoảng cách đó càng ngày càng bị kéo dài. Theo tôi, trong cuộc sống hiện tại, học kỹ năng chấp nhận thất bại là vô cùng quan trọng, nhất là với những bạn trẻ, những người thường thích thỏa mãn những ham muốn tức thì mà không tính đến dài hạn", giáo sư Hồi Loan cho biết.

(Theo gia đình và Xã hội)


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1536 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm