Phần đông quý cô vẫn nghĩ, "vớ" được một anh cao to đẹp trai thì "khoản ấy" cũng mạnh mẽ.
Phần đông quý ông cũng cho rằng, "hàng đẹp" là "đáng đồng tiền bát gạo" với chuyện đó. Thế nên, không ít chàng nghĩ "cậu bé" của mình hơi ngắn, hơi bé, đã tìm hỏi nơi phẫu thuật để cải thiện "ngoại hình". Với những trường hợp này, chúng tôi chỉ tư vấn và từ chối phẫu thuật vì đơn giản một điều "ngoại hình chẳng liên quan đến hiệu suất làm việc của cậu bé".
Như vậy, một anh cao to chưa chắc "khỏe" chuyện đó, và ngược lại, một người nhỏ con chưa chắc đã "yếu". Đây là chuyện "chất lượng đến từ bên trong". Cụ thể, một người có sức khỏe tốt, không bị rối loạn cương thì thường là "máy chạy tốt". Nói thế để làm rõ vấn đề: một người đàn ông muốn cải thiện năng lực tình dục, cần xem xét những yếu tố "bên trong" như khả năng cương, mức độ ham muốn, khả năng điều khiển thời gian khi quan hệ...
Thế nhưng, cũng có những trường hợp cần xem xét "ngoại hình". Với đàn ông, ngoại hình "chuẩn" là 14-16cm (khi cương). Những trường hợp ngắn bẩm sinh (quá ngắn so với mức bình thường) mới cần phẫu thuật nối dài, để "chủ nhân" có thể đi tiểu và quan hệ tình dục bình thường. Một trường hợp phổ biến khác liên quan đến "ngoại hình" là "súng" bị cong. Có người có "súng" hơi vẹo một chút, đã vội tìm đến bác sĩ xin nắn cho thẳng là không cần thiết. Thực tế, chỉ những "cậu bé" cong trên 30 độ mới cần phẫu thuật chỉnh hình, dưới 30 độ thì không cần.
Người có "súng" cong vẹo thường rơi vào hai trường hợp: bị bẩm sinh hoặc người lớn tuổi bị xơ hóa thể hang (Peyronie). "Đối tượng" có thể cong ngoặt lên trên, xuống dưới hoặc qua trái, qua phải. Nếu cong trên 30 độ, "khổ chủ" sẽ bị đau đớn và gây khó chịu cho bạn tình khi "hành sự". Trường hợp bị cong nặng, chỉ cần cương lên là đau. Những trường hợp này, bác sĩ đều có thể uốn thẳng với tỷ lệ thành công rất cao.
Tại sao những trường hợp cong dưới 30 độ không nên phẫu thuật? Vì mỗi lần phẫu thuật là "cậu bé" bị thu ngắn đi khoảng 1 - 2cm. Cũng có trường hợp cong dưới 30 độ nhưng "chủ nhân" vẫn năn nỉ bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ cũng đồng ý làm, vì sẽ giải quyết được vấn đề tâm lý. Trước đây, nhìn "cậu bé" hơi cong là người đó mặc cảm, thiếu tự tin, sinh… yếu luôn. Vậy mới có chuyện ngược đời: phẫu thuật chỉnh hình để "chữa" tâm lý.
Cũng có không ít người quan tâm đến hai "thùng đạn" của mình. Có người băn khoăn "sao khiêm tốn kích thước quá?", có người lo ngại "sao to-nhỏ không đều?". Thực ra, với hai "thùng đạn", kích thước cũng không quyết định chất lượng. Quy mô "nhà máy" không quan trọng bằng hiệu quả sản xuất của "nhà máy" đó. Nếu quy trình sản xuất vẫn ổn, mà "chủ nhân" đòi phẫu thuật cải thiện "bề ngoài" cho có vẻ "hoành tráng" hơn, thì bác sĩ cũng từ chối.
Chuyện "ngoại hình" không quyết định "chất lượng" đã rõ, khổ là nhiều người vẫn bị "ám ảnh" "càng to, càng tốt". Xin khẳng định, với chuyện "ngoại hình" của "cậu bé" thì trông mặt, khó mà "bắt hình dong".
--------------------------------------------------