"Bốn năm nay tôi sống với một cục đá. Khi buộc phải trả lời tôi, anh ta nói nhát gừng, không nhìn vào mắt. Anh ta luôn tỏ vẻ không thấy sự hiện diện của tôi trong nhà. Bốn năm "bỏ lửng", không nằm chung giường với tôi...".
Nước mắt chứa chan, chị Thương (thư ký văn phòng, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) kể trước Hội đồng Xét xử phiên toà ly hôn giữa chị và người đàn ông, lúc ấy còn là chồng chị như vậy.
Chuyện bắt đầu từ 4 năm trước, chị báo tin mình "dính" bầu. Chồng chị đáp lại như dội một một gáo nước lạnh: "Của thằng nào thế? Tối nào cô cũng uống thuốc tránh thai cơ mà?". Chị không thanh minh, bởi 1 tháng trước đó hai vợ chồng đã có một cuộc cãi vã, sau khi anh cùng đồng nghiệp vào một nhà hàng, bắt gặp chị đang hàn huyên cùng một nhóm bạn đại học toàn đàn ông từ khắp nơi về Hà Nội dự hội thảo.
Ngay tối hôm ấy, anh mang chăn gối sang phòng bên "định cư". Tưởng anh chỉ ghen tuông tức thời, chị ngậm ngùi tự đi "giải quyết" (anh chị đã có hai con, đủ nếp tẻ), chờ chồng "hạ hoả" để nói chuyện.
Nhưng cuộc đối thoại nghiêm túc giữa hai vợ chồng không bao giờ diễn ra. Khi chị vừa mở lời, anh đã gạt đi: "Đừng thề bồi gì hết, tôi quá hiểu cô rồi!" và đóng sập của phòng. Họ vẫn sống chung nhà, ăn chung mâm, nói với nhau dăm ba câu khi nhà có chuyện buộc phải bàn và để che mắt lũ trẻ; nhưng nguội lạnh hẳn chuyện "chăn gối". Hàng đêm, chị nín thở chờ anh sang. Rồi không bao giờ chờ nữa sau một lần nuốt thẹn, mò vào giường anh, bị hất văng xuống đất đầy khinh rẻ.
Thời gian qua đi, đến lượt chị cũng đinh ninh chồng mình " bồ bịch", chê vợ, mới "ngãng ra" vô cớ như vậy. Trong 4 năm, chị nhiều lần đưa đơn ly hôn, chỉ nhận được những cái phẩy tay khinh rẻ. Chị đã nhiều lần nghĩ đến cái chết, từng tính toán cách chết thế nào để ít làm các con thương đau nhất. Và thắng được ý định từ giã cõi đời để đấu tranh rời bỏ người chồng có trái tim đá.
Bị bạn đời không đếm xỉa, một kỹ sư cầu đường uy tín trong ngành giao thông vận tải cũng ôm mặt khóc hết nước mắt trước TAND quận Ba Đình như vậy. Chuyện nhà anh bắt đầu từ một ngày chủ nhật, một cô gái quê đem cậu bé 2 tuổi từ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) xuống Hà Nội "diện kiến" người vợ đã 13 năm chung sống hạnh phúc nhưng không chịu cho anh đứa con thứ 3 ( vọng là một đứa con trai). Chuỗi ngày anh sống như trọ trong nhà mình bắt đầu. Không cơm nước, không giặt giũ, không chuyện trò, không ngủ chung, và không ly dị.
Sức anh không chịu được lâu. Nhậu nhẹt, "ca-ve" chán, anh nghĩ đến chuyện đưa mẹ con cô người Vĩnh Yên về Hà Nội để có một mái ấm, dù không hề yêu thương cô và rất sợ phải xây mới một gia đình. Mất đến 3 năm, sau nhiều cuộc "làm việc" với lãnh đạo, đồng nghiệp để làm mất uy tín của vợ, anh mới kéo được chị ra toà. Để bây giờ sống một mình.
Bỏ lửng: Đòn đau nhất
Hiện tượng cưỡng bức tâm lý, tình cảm người phối ngẫu (bạn đời) bằng cách "bỏ lửng" đang phổ biến trong nhiều gia đình đô thị. "Bỏ lửng", một số người định nghĩa, là "không lời nói, không hành động", không đoái hoài đến vợ (chồng) dù đang chung sống, không nói chuyện và quan hệ tình dục với người phối ngẫu, dù được "gợi ý".
Trong các hành vi thuộc dạng cưỡng bức tâm lý tình cảm, hành vi "bỏ lửng" là đòn đánh đau nhất, khó chống cự và gây hậu quả nặng nhất. Nhiều phụ nữ bị chồng "cấm vận" giao tiếp và "chăn gối" đã ngộ nhận về bản thân, nghĩ mình đáng bị khinh rẻ, tự tìm đến cái chết.
Đáng lưu tâm là trong xã hội hiện đại, khi con người phải chịu nhiều sức ép hơn, lại ít muốn và ít có thời gian để đối thoại, cưỡng bức tâm lý bằng "bỏ lửng" được thể len lỏi vào hầu khắp các gia đình. Trong khi, rất khó phát hiện loại bạo hành này, do thường xảy ra trong các gia đình học vấn cao, thu nhập khá ở đô thị, ít ai có thể vứt "sĩ diện" để đâm đơn kiện vợ (chồng)đã... "bỏ lửng" mình.
Theo quan niệm của những người này, "sự bỏ lửng" của người bạn đời chỉ là một biểu hiện của sóng gió gia đình, giải pháp tự khắc phục được họ cho hiệu quả hơn là tìm sự giúp đỡ của các đoàn thể và tổ chức pháp luật.
Thế là, "bỏ lửng" bạn đời nghiễm nhiên tồn tại hợp pháp trong nhiều gia đình trí thức, gặm nhấm hạnh phúc và dày vò các nạn nhân, đôi khi cả người chủ động bạo hành.
Bệnh trầm kha... dễ chữa?
Nhìn vợ chồng chị Hằng (Đống Đa, Hà Nội) đầm ấm nói cười, khó ai có thể hình dung chị từng bị chồng "bỏ lửng" 2 năm, ngay sau đám cưới. Trong 2 năm ấy, anh không nói với chị 1 tiếng, dù về việc cần kíp nhất. Tất cả chỉ vì cái miệng lưỡi chua cay của chị.
Phát hiện anh ngồi đánh tá lả, chị gào lên trước tất cả mọi người: "Đúng là cái đồ bác thằng bần! Bần suốt đời cho mà xem!". Anh đóng đinh làm vỡ một mảng tường, chị khanh khách với anh rể: "Nhìn công tử bột cầm búa kìa!". Anh quên mua hộ mớ rau, chị hét: "Cái nhà này mà trông cả vào anh thì có mà đói rục xác!". Bắt gặp anh nói chuyện điện thoại với nữ đồng nghiệp nào, chị cũng xen ngang vào máy: "Tình tứ nhỉ? hẹn hò mấy lần rồi?".
Nhớ lại chuyện xưa, chị nói: "Anh ấy là con nhà gia giáo nên không thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Lại không đủ lời lẽ đối đáp nên chỉ còn cách tránh xa tôi ra. Bỏ bẵng tôi hẳn 2 năm, đồng mâm đồng sàng mà dị mộng, đến mức tôi phát điên lên, phải ôm đồ về nhà mẹ đẻ".
Nói về kinh nghiệm chống "bị bỏ lửng", chị Hằng bảo: "Cả hai phải tự nhìn lại mình, nếu thấy có lỗi, phải cải tà quy chính. Riêng tôi, để lời ăn tiếng nói đỡ khó nghe, phải luôn tự cắn vào môi mỗi khi sắp bật ra tiếng. Rồi rèn thói quen chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho chồng. Anh ấy còn giận, cứ gạt tự trọng mà "xô" tới. 1, 2, 3 lần không thành, lần thứ 4 đố mà cưỡng!".
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dẹp tự ái để hàn gắn hạnh phúc như chị Hằng. Tự trọng quá cao, nhiều người đã không "chế" được cho mình "bài thuốc chống "bỏ lửng" hữu hiệu nhất là xin tha thứ, và học cách tha thứ.
Trong dự báo về tình hình hôn nhân gia đình Việt Nam thế kỷ XXI, có chuyên gia cho rằng mâu thuẫn gia đình bắt đầu chuyển từ màu sắc kinh tế sang văn hoá và có thể chiếm vị trí chủ đạo.
Buồn lắm, nếu "văn hóa bỏ lửng" như một thứ "bạo hành câm" bắt hạnh phúc không thể mở miệng trong nhiều gia đình Việt Nam...