Rồi ai cũng sẽ có cảm giác buồn chán, cô độc hay sầu não khi gặp một khó khăn nào đó. Và hầu hết trong mọi trường hợp, những cảm xúc đó sẽ nhanh chóng qua đi. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng buồn chán cứ “dền dứ” mãi?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy buồn chán cứ lần lữa không chịu đi, ngày càng trở nên quá mức hay cản trở công việc, giấc ngủ hay sự nghỉ ngơi? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay vô dụng, hoặc cân nặng tăng dần cùng với nỗi buồn? Bạn có thể đang bị trầm cảm.
Được coi là một chứng bệnh, trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần; phụ nữ mắc bệnh nhiều gấp đôi nam giới.
Những biểu hiện của trầm cảm
Người bị trầm cảm thường đánh giá thấp bản thân mình so với những người khác. Dưới đây là những biểu hiện trầm cảm phổ biến:
- Cảm giác chán nản, buồn bã hay thấy “trống rỗng”
- Không còn hứng thú hay niềm vui với những hoạt động mình từng thích
- Giảm cân rõ rệt khi không ăn uống hoặc tăng cân nhanh (nhiều hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng).
- Không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Không thể nghỉ ngơi, luôn bị kích thích (tình trạng kích thích thường gặp ở trẻ nhỏ hay thiếu niên) hoặc cảm giác “lê thê”
- Mệt mỏi hay mất hết sức sống
- Cảm thấy mình vô dụng, hoặc lúc nào cũng làm những điều tội lỗi, người khác không hài lòng
- Tập trung hay suy nghĩ khó khăn hoặc không quả quyết
- Lờ mờ nghĩ tới cái chết hay tự tử
Khi nào cần được giúp đỡ?
Nếu thấy mình có từ 5 biểu hiện trên đây trong những ngày vừa qua, kéo dài ít nhất 2 tuần và các biểu hiện có triệu chứng tăng nặng và ảnh hưởng nhiều tới công việc hằng ngày thì có thể là bạn đang bị trầm cảm. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ và điều trị sẽ giúp bạn khỏe lên.